1028 lượt xem

Bài văn nghị luận giàu cảm xúc, thấm đẫm suy tư của học sinh Đào Duy Từ

(ĐDT) – Mấy ngày qua các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về sự tàn phá nặng nề của bão số 10 ở miền Trung. Trang mạng www.thanhnien.com.vn đưa tin:

“Từ khoảng 12h ngày 30.9 bão số 10 bắt đầu gây ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Sóng biển dâng cao, mưa to gió lớn đã khiến hàng trăm căn nhà ở Thừa Thiên – Huế bị tốc mái… “ (Ngày 30/9/2013 vào lúc 13h35’)

Đây không phải lần đầu tiên người dân miền Trung hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai. Là một công dân Việt Nam, anh/chị có suy nghĩ gì về “miền Trung: bão lũ và con người”

(GV ra đề: Đỗ Thị Thu Hằng – Trường THPT Đào Duy Từ)

BÀI LÀM

MIỀN TRUNG: BÃO LŨ & CON NGƯỜI

Hà Nội đang vào thu – mùa của những cảm giác lãng mạn và ngọt ngào nhất! Đó là bầu trời xanh với lãng đãng mây trắng trôi; là gió heo may khô và lạnh len trong từng góc phố; là sắc vàng giòn tan của lá cây rơi rụng trên những con phố dài . Thu đến với người Hà Nội như tôi, như bạn, như chúng ta thật yên ả và mênh mang biết mấy! Thu đến, cũng là lúc tâm hồn chúng ta mang những nỗi buồn không tên. Nhưng có ai hay, mùa thu đối với người dân miền Trung lại không phải là khoảng thời gian êm đềm. Họ không có những nỗi buồn thanh cao, xa vời ấy. Thu miền Trung, với Hà Tĩnh, với Quảng Bình… chỉ là mùa của bão lũ tang thương, của mất mát bộn bề, của những giọt nước mắt xót xa khi nghĩ về tương lai: “cứ như ri mần răng mới hết nghèo được…”

Nước ta có hình chữ S. Miền Trung là phần đất nhô ra biển Đông, xung quanh lại không có đảo nên luôn phải hứng chịu những cơn bão từ biển đổ vào. Mỗi năm trôi qua là từng ấy năm miền Trung phải oằn mình chống chọi với bão lũ. Năm nào năm ấy cứ đều đặn như một vòng tròn nghiệt ngã! Người dân miền Trung không mấy lúc được ấm no, hạnh phúc! Mẹ thiên nhiên hiền hòa là thế khi ban tặng cho con người biết bao điều quý giá, nhưng cũng dữ dội đến thế khi trút xuống nhân loại những thiên tai hãi hùng, đủ để nhấn chìm mọi thứ: nhà cửa, ruộng nương; nhấn chìm cả những giấc mơ giản dị của một đời người lam lũ.

Bão đến, lũ về.

Bão đến, cây ngã.

Bão đến, nước ngập, gia súc, gia cầm tháo chuồng trôi theo con nước dữ.

Mấy ngày nay cơn bão số 10 đổ vào miền Trung. Nó đến nhanh và đi cũng chóng vánh, lấy mất tất cả, chỉ để lại những tang thương. Tôi từng hỏi bố mình – một người dành trọn tuổi thơ sống với cái khó nhọc miền Trung mùa nước lũ – “Bố đã từng phải trải qua cơn bão nào lớn như thế này hay chưa?” Bố bảo: “miền Trung thì năm nào mà chẳng có bão to đến mức ấy”. Rồi bố kể cho tôi nghe những ký ức về một cơn bão năm 1972 – cơn bão mà bố nhớ nhất trong đời. Tất cả đều bắt đầu từ những tiếng gió gầm rít dữ dội. Cả nhà đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng quật ầm ầm của gió, của cây, theo sau đó là tiếng súc vật, tiếng sủa ầm ĩ vang lên đến chói tai. Hồi đó bố và ông bà sống trong mái nhà tranh lụp xụp, cứ bão đến là liêu xiêu chẳng thể nào đứng vững. Thấy ông bà hốt hoảng khi bão về, bố cũng sợ sệt, hoảng hốt theo. Bố chưa rõ bão là cái gì nhưng nhìn ông bà thôi, cái tiềm thức và nỗi sợ vô hình cũng khiến một thằng bé lúc đó khóc òa lên và chui xuống gầm giường, trốn biệt. Thế rồi cả nhà chạy lũ, chạy sang làng bên đất cao hơn, trú ở đây dăm ba ngày mời dám dắt díu nhau trở về. Lụt xong, chạy về, nhìn căn nhà mà ngơ ngác! Mọi thứ đều ráo hoảnh, chỉ sót lại vài ba cái xoong chảo ngổn ngang trong bếp, những cái ghế gãy nát ngả nghiêng, một đống thóc lúa ngâm nước nảy mầm gần hết; sót lại cả những nỗi lo lắng bộn bề. Sau cơn bão, mất mát lớn nhất không phải là của cải mà là con người. Mới dăm bữa trước đây còn ngồi bên cạnh nhau, chung cơm, chung đũa, nói cười nay những nụ cười ấy chì còn mang màu vàng úa của quá khứ. Gian nhà hàng xóm trước rộn tiếng cười, nay tiếng khóc chẳng thể nào dứt. Khóc đến khô cả họng, nghẹn cả lời, đến hai tay áo ướt đẫm vì nước mắt, rồi khi chẳng còn đủ sức mà khóc nữa thì con người ta gục xuống, thấy tâm hồn mình nát vụn, cùng người vừa ra đi theo dòng nước lũ, trở về cát bụi.

Vừa qua bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình có đi qua ngôi nhà quê hương của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cây cối trong vườn bị gió quật nát nhưng cây khế cổ thụ gắn bó với tuổi thơ của cố đại tướng vẫn còn đó, kiên cường, dũng mãnh. Đó là một minh chứng cho sức mạnh của vùng đất – con người miền Trung. Những người dân có vẻ ngoài bé nhỏ, nước da bánh mật ấy đã hàng nghìn đời nay chống chọi với bão lũ, không ngừng mơ ước về một cuộc sống bình yên – hạnh phúc – no đủ. Những giọt nước lặn chảy vào trong tim để rồi họ lại tất bật phơi thóc, tìm cách cứu vớt những gì còn sót lại sau cơn bão. Mỗi người dân miền Trung đều là anh hùng của đất nước Việt Nam. Sức mạnh con người là vũ khí vô giá nhất mà không bão tố nào làm hư hỏng được, niềm tin con người là tài sản quý giá nhất không lũ lụt nào có thể cuốn trôi!

Những bạn trẻ đang sống trong một cái kén bằng nhung lụa, xin hãy đừng ngủ quên trong bình yên, không màng tới những phong ba có thể va vấp trong cuộc đời này. Cao hơn cả những giá trị vật chất tầm thường là tâm hồn và khát vọng sống của mỗi con người, đừng phụ thuộc vào những gì sẵn có mà nuông chiều bản thân trong hạnh phúc giả tạo – thứ hạnh phúc được tạo ra bởi công sức lao động của bố mẹ chúng ta. Hãy “xách” ước mơ lên và đi, tự làm chủ cuộc đời mình! Đừng quá lo lắng về thất bại! Trên tất cả những con đường dẫn đến thành công thì thất bại cũng chỉ là một điểm dừng. Thay cho lời kết, tôi xin mượn câu nói của Márai Sádor gửi đến các bạn như một bức thông điệp để ngỏ…

“Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”

Hà Nội, 10/2013

Trần Mai Phương 10 Do

Trường THPT Đào Duy Từ – Hà Nội

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025