Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cũng như nhiều thí sinh bước đầu cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng có nhiều hướng tích cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc lại cấu trúc đề thi…
Thiệt cho thí sinh học chuyên ?
Bước ra khỏi phòng thi ở điểm thi Trường ĐH Công nghệ Hà Nội, Thắng, một học sinh Trường THPT Lương Văn Can, cùng nhóm bạn bàn tán sôi nổi, nói cười rôm rả. Thắng và nhóm bạn cho biết “thấy thích thú với kiểu thi mới này”.
Theo nhiều thí sinh (TS), do đều tự tập dượt trước (làm thử đề minh họa trên website của trường) nên khi thi thật không bỡ ngỡ lắm. Có TS dù điểm không được như mong muốn, nhưng đều “tâm phục khẩu phục” với kiểu thi mới. Nguyễn Thị Lệ Thủy (85 điểm), học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), chia sẻ: “Em thấy tổ chức một kỳ thi như thế này là rất ổn. Các câu hỏi của đề thi rõ ràng và cũng không quá khó, trừ môn toán. Em thích các câu hỏi địa lý, giáo dục công dân. Các câu sử thì xoáy vào mốc thời gian diễn ra sự kiện, đòi hỏi phải nhớ nên em làm không được tốt”.
Còn Lê Thị Hà Thanh, học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), nhận xét: “Kiến thức được hỏi khá rộng, sẽ thiệt cho nhiều bạn học chuyên vốn dĩ quen với học theo các chuyên đề. May là ở phần tự chọn, em chọn lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó hỏi nhiều kiến thức khá thiết thực với đời sống nên em cũng gỡ được ít điểm”.
Lê Hoàng Vân, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội), đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, lại thấy việc các câu hỏi trải rộng các lĩnh vực kiến thức, đặc biệt với các môn lý, hóa, sinh là thú vị. “Nhưng các câu hỏi môn văn em thấy cách hỏi đơn điệu. Họ chỉ đưa ra các đoạn văn, sau đó yêu cầu TS chỉ ra lỗi cú pháp, lỗi dùng từ… hơi hơi giống bài thi bọn em làm hồi thi vào lớp 10”, Vân nói.
Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội diễn ra từ ngày 30.5 đến 2.6 – Ảnh: Trung Hiếu
Nên cân nhắc lại cấu trúc đề thi
Dư luận phụ huynh và giáo viên đều bày tỏ sự ủng hộ việc đổi mới kỳ thi theo hướng đánh giá năng lực.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội), đồng thời là một phụ huynh có con dự thi kỳ thi đánh giá năng lực, cho biết dù con ông gặp trục trặc về sức khỏe nên điểm thi không được như mong muốn (80 điểm) nhưng ông vẫn thấy kỳ thi thực sự thú vị.
“Qua mô tả của cháu thì tôi thấy đề thi rất hay. Với những câu hỏi đó, các cháu phải học hành nghiêm túc mới trả lời tốt chứ không phải nhờ may rủi. Chẳng hạn, có một câu hỏi tôi thấy khá ấn tượng, Tuổi được ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp là bao nhiêu, 18 – 19 – 20 – 21? Như vậy các cháu phải ý thức rất rõ ràng các quyền cơ bản của công dân thì mới phân biệt được sự khác nhau giữa các quyền. Tôi cho rằng nếu cháu nào trả lời được phần lớn các câu hỏi của đề thi thì đều đủ năng lực để vào học ĐH”, ông Thắng nhận xét.
Nhưng ông Thắng cũng công nhận là đề toán khó: “50 câu hỏi trong 80 phút, bình quân 1,6 phút/câu, trong đó có nhiều câu phải giải ra giấy mới làm được, thì đúng là khó, kể cả với những em khá”.
Theo GS Hà Huy Bằng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), phân bố số lượng câu hỏi với từng môn học, từng lĩnh vực chưa thật sự hợp lý. “Phần bắt buộc, bao gồm kiến thức định lượng (toán) và kiến thức định tính (văn) gồm 100/140 câu liệu có nhiều quá chăng? Trong logic này, 40 câu cho kiến thức tự chọn cho 3 – 4 môn liệu có quá ít? Nên cân đối lại, 80 – 60 hoặc có thể điều chỉnh trong quá trình tuyển sinh. Chẳng hạn tùy vào từng ngành học để có thể lấy điểm hệ số hai cho các môn liên quan”, GS Hà Huy Bằng đề xuất.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng kỳ thi nhằm cải tiến tuyển sinh theo phương hướng hiện đại, trong đó đáng biểu dương nhất là việc mạnh dạn áp dụng hình thức trắc nghiệm tất cả các môn cho một kỳ thi để mang tính đại trà.
Theo báo điện tử Thanh Niên