Học sinh trường THPT Đào Duy Từ – Hà Nội đã lặn lội về tận Diêm Điền, Thái Bình dự chương trình “50 năm vẫn nghe lời của “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh để thực hiện chuỗi hoạt động học tập – trải nghiệm – sáng tạo môn Ngữ văn.
Chương trình “50 năm vẫn nghe lời của “Sóng” diễn ra tại Diêm Điền, Thái Bình đã đem đến cho thầy và trò nhà trường những khám phá thú vị về tác phẩm văn học và cuộc sống.
Cồn Đen với những rừng sú vẹt rộng mênh mông, rừng phi lao rì rào trong gió như đón chào những học trò thủ đô về với Thái Bình yêu thương lắng nghe “sóng biển”, “sóng tình”.
Giáo viên của buổi học thật đặc biệt với PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Nhà phê bình văn học), GS.TS Hà Huy Bằng (nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết, chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Đào Duy Từ).
Nếu như cô giáo Lưu Khánh Thơ đem đến những chia sẻ chân thành, sâu sắc về đời người – đời thơ Xuân Quỳnh thì thầy giáo Hà Huy Bằng đem đến những cảm nhận chủ quan nhưng không kém phần thuyết phục về giá trị nhân văn trong thơ tình Xuân Quỳnh nói chung, bài thơ “Sóng” nói riêng. Đó là lí do để “Sóng” không chỉ là bài thơ “Hoa dọc chiến hào” mà còn là bài thơ “đi cùng năm tháng” suốt 50 năm qua.
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Lắng sâu hơn nữa khi học trò được cảm nhận bài thơ qua các hình thức nghệ thuật khác nhau: hát – ngâm thơ. Giọng ngâm say sưa tâm huyết của GS.TS Hà Huy Bằng giúp học sinh hiểu rằng: cảm thụ văn chương không phải là “đặc quyền” của riêng học sinh khối D hay khối C. Những ai yêu văn, yêu cái đẹp nhân văn đều có thể đến với văn chương.
Học tập song hành với trải nghiệm, sáng tạo nên học sinh tiếp tục tham gia các hoạt động khác như: “Đi tìm mật thư” với những câu thơ cuối của đời thơ Xuân Quỳnh trong “Thời gian trắng” .
“Trái tim buồn sau lần áo mỏng
Từng đập vì anh vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn”
Hay tham gia cuộc thi bắt ngao hào hứng, kịch tính giữa các tập thể lớp.
Cồn Đen, Diêm Điền, Thái Bình không chỉ là không gian học tập mà còn trở thành không gian của kỉ niệm tuổi học trò.
Việc tổ chức chuỗi hoạt động học tập – trải nghiệm – sáng tạo của tổ Ngữ văn trường THPT Đào Duy Từ xuất phát từ sự tận tâm, tận lực của người thầy trong công tác giảng dạy.
Chính những chuyến đi như thế này phải chăng đã “đánh thức đam mê, khơi nguồn sáng tạo” cho học trò. Đó là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm của người thầy mọi thời đại: “Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng” (William Arthur Ward)
Thu Hằng