Cứ vào cuối độ tháng 10 hàng năm, trẻ em và người lớn ở khắp nơi trên thế giới lại háo hức chào đón ngày lễ Halloween – lễ hội hóa trang và là sự kiện vui nhộn lớn nhất trong năm. Vậy điều thú vị gì trong lễ Halloween mà sức hút của nó lại lớn đến vậy?
1. Halloween có nguồn gốc từ đâu?
Halloween có tên gốc là All hallo eve có nghĩa là đêm trước ngày lễ các thánh.
Bản thân từ “Halloween” vốn có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo viết tắt cho cụm “All Hallows’ Evening” (tạm dịch là buổi tối của Lễ Chư Thánh) để chỉ buổi lễ diễn ra vào trước ngày mùng 1- ngày đầu tiên của tháng 11. Tháng này được coi là tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời và theo nghĩa tiếng Anh cổ thì “hallow” có nghĩa là ban vinh dự cho cả những linh hồn xưng danh hoặc không xưng danh.
Halloween có tên gốc là All hallo eve có nghĩa là đêm trước ngày lễ các thánh ( ảnh minh họa)
Nhưng theo một số tài liệu nghiên cứu hiện nay cho thấy, lễ hội Halloween thật ra chịu ảnh hưởng khá nhiều từ lễ Samhain của dân tộc Celt cổ. Đây là một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm ở các vùng đất bây giờ là Ireland, miền Bắc nước Pháp và nước Anh.
Vào ngày 1/11 hằng năm, người dân tộc Celt sẽ tổ chức lễ hội Samhain với mục đích đánh dấu sự khởi đầu năm mới đồng thời cũng là thời điểm kết thúc mùa hè, chào đón thời tiết chuyển sang đông.
Người của bộ tộc này tin rằng, khi mùa đông lãnh lẽo ập tới, xua tan cái nắng ấm của mùa hè, bóng tối bắt đầu thống trị. Đêm trước khi năm mới bắt đầu (chính là ngày 31/10 dương lịch), ranh giới giữa cái chết và sự sống sẽ trở nên vô cùng mờ nhạt. Lợi dụng thời điểm này, những linh hồn đã khuất rất có thể sẽ tìm được đường để quay về với cõi sống và tìm kiếm thân xác hòng hồi sinh.
Chính vì thế vào ngày lễ Halloween, người dân thường nhanh chóng dập tắt các đám lửa bên trong nhà, để đẩy lùi sự ấm cúng khiến không gian trở nên lạnh lẽo và hi vọng các linh hồn sẽ bỏ qua. Tục lệ mặc quần áo trang phục rùng rợn mô phỏng ma quỷ và diễu hành ồn ào xung quanh các khu phố thật ra vốn là để trấn an nỗi lo sợ linh hồn của dân chúng.
2. Ý nghĩa của lễ hội Halloween
Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép lên Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể xuống Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.
Chuyện kể rằng, trước đó có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, người dân đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Nhờ vậy, con quỷ bị bắt… Jack nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục.
Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, linh hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước đây. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Thông qua hành động và cuộc đời của Jack, lễ hội Halloween có hai ý nghĩa muốn truyền tải tới chúng ta
Ý nghĩa giáo dục
Trong cuộc sống không nên tham lam hay keo kiệt, bủn xỉn hãy sống một cuộc đời từ bi, bác ái và luôn mở rộng tấm lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đồng thời, tối kị trêu đùa với ma quỷ, nên hiểu rằng “ma quỷ” – hiểu theo nghĩa bóng là những trò đe dọa, lừa lọc, đe dọa, khiến người khác sợ hãi và cả những việc tinh quái gây nguy hại đến người khác và cho cả xã hội. Chưa kể rằng, giao du với ma quỷ sẽ rất dễ bị cám dỗ, đi theo con đường tối tăm, tội lỗi.
Ý nghĩa nhân văn
Nếu đào sâu hơn, ta sẽ dễ dàng tìm thấy nét nhân văn trong câu chuyện và truyền thuyết về Halloween. Jack tuy chỉ là nhân vật tưởng tượng nhưng thật ra đó là sự ẩn dụ nhắm tới những hiện thân trong cuộc đời. Sau những sai lầm thời trai trẻ, khi qua đời Jack trở thành một cô hồn, không có chỗ dung thân.
Truyền thống lễ hội Âu Mỹ – Halloween đã dành cho Jack trọn vẹn một ngày để trở về với cõi dương. Trong ngày này, Jack có thể vui chơi thoải mái, vì người sống khi ấy đã hóa trang thành ma quỷ giúp linh hồn của Jack có chỗ trà trộn, xua đuổi sự cô đơn.
Với ý nghĩa nhân bản này, lễ hội Halloween và ngày Rằm tháng Bảy âm lịch của Việt Nam có thể xem như là ngày mà hai cõi Âm, Dương hội ngộ, quây quần.
Ngày lễ Halloween mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc ( ảnh minh họa)
3. Điểm khác biệt trong lễ hội Halloween ở các quốc gia
Theo thời gian, lễ hội Halloween đã du nhập đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi nước đều có những biến tấu nhất định để có ngày lễ Halloween của riêng mình. Cho đến ngày nay, lễ hội Halloween đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Halloween đã trở thành ngày lễ phổ biến trên toàn thế giới ( ảnh minh họa)
Lễ hội Halloween ở Bắc Mỹ
Halloween du nhập vào nước Mỹ qua quá trình di cư của người Ireland và Scotland. Ngày nay nó đã trở thành một lễ hội dân gian lớn ở Mỹ và Canađa. Vào ngày lễ này trẻ em Mỹ thường chơi trò “trick or treat”.
Chúng sẽ mặc các trang phục hóa trang và đeo mặt nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick or treat”. Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.”
Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà thường đãi chúng kẹo, bánh, hoa quả, có thể họ còn cho chúng tiền nữa.
Lễ hội Halloween ở Mexico
Ở Mexico, cứ mỗi độ thu về, những con bướm chúa lại bay về làm tổ trên những cây linh sam và người dân nơi đây tin rằng những con bướm này là hiện thân của linh hồn những người quá cố. Trong ngày Halloween, người Mexico trang trí những bệ thờ trong nhà với bánh mỳ, nến, hoa và quả. Những cây nến được thắp sáng để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất.
Buổi tối, họ hoá trang trong bộ quần áo hình ma quỷ và diễu hành trên đường phố với một người sống đặt trong một quan tài. Sau đó, họ sẽ tới thăm viếng nghĩa trang, trang trí mộ người thân và ở đó suốt đêm.
Lễ hội Halloween ở Anh
Tại Anh, vào dịp Halloween người ta treo trước cửa hoặc trang trí trong nhà vô số đèn lồng hình dáng ma quái từ đủ các loại quả như bí, củ cải đường, dưa vàng… tâm điểm của lễ hội Halloween chính là những đống lửa rực cháy trên các đường phố. Khác với những nơi khác, những đống lửa này không phải để xua đuổi các linh hồn lang thang mà để nhắc đến câu chuyện của Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Toà nhà Hội đồng ở Luân Đôn vào năm 1605. Rất nhiều hình nộm của Guy Fawkes bị đốt cháy trong lễ hội.
Lễ hội Halloween ở Pháp
Lễ hội hóa trang là hoạt động nổi bật nhất trong lễ hội Halloween ở Pháp. Hàng năm, người ta đều tổ chức những cuộc diễu hành lớn của xác chết, phù thủy, zombie… và vô số nhân vật rùng rợn ở thị trấn Limoges. Tại Paris, những đèn lồng bí ngô khổng lồ được dựng lên để soi đường cho người chết trở về, những ngôi nhà được trang hoàng bằng vô số hình ảnh ma quái và kỳ dị; tiệc tùng và dạ hội Halloween thường được tổ chức tại nhà.
Lễ hội Halloween ở Áo
Một nét đặc biệt là Halloween ở Áo kéo dài suốt tuần từ 31/10 – 8/11. Mỗi gia đình người Áo sẽ đặt một ngọn nến hoặc đèn lồng trong nhà, bánh mì và cốc nước để dẫn đường cho người thân vào ngày 31/10. Những ngày sau đó, họ sẽ tới thăm mộ người thân hàng đêm, đặt lên đó đèn lồng, nến, vòng hoa, bánh kẹo… hoặc tổ chức cầu siêu cho người đã mất.
Giống như các nước phương Tây, Halloween ở Việt Nam cũng đã trở thành một ngày hội, một sân chơi dành cho giới trẻ thỏa mãn đam mê sáng tạo cùng sở thích hóa trang độc đáo. Với những ý nghĩa trên Halloween quả thực là một ngày lễ thú vị được không chỉ trẻ con mà cả người lớn ưa chuộng.