707 lượt xem

”BÀI VIẾT CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC DÂN GIAN”- chuyên đề: truyện cười

Sau khi phát động cuộc thi viết chuyên đề văn học dân gian với 5 đề tài liên quan đến các thể loại: ca dao, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười, thầy/cô tổ Ngữ văn đã chọn được 5 bài viết tốt nhất của tập thể 10D01, 10D02, 10D2.

Đây là những bài viết có sự đầu tư về thời gian, công sức. Tuy mới làm quen với kiểu bài nghị luận văn học của bậc THPTnhưng các em chứng tỏ có sức viết bền bỉ, dẫn chứng phong phú, so sánh mở rộng, liên hệ thực tế sinh động.

————–o0o—————-

Đề 5:

Hình ảnh quan xử kiện trong truyện cười dân gian “ Nhưng nó phải bằng hai mày”

Bài làm của học sinh Nguyễn Thị Thu Hương, Lớp 10D02

Kho tàng truyện cười Việt Nam ta rất phong phú về đề tài, được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Trong đó, truyện trào phúng mang nội dung là đả kích, phê phán, tố cáo đối tượng phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia. Thuộc thể loại truyện trào phúng “Nhưng nó phải bằng hai mày” phê phán đám quan lại tham nhũng.

Cốt truyện đơn giản: Hai người hàng xóm đánh nhau rồi mang nhau đi kiện. Tuy vậy, truyện được xây dựng thành một màn hài kịch hoàn hảo với hai yếu tố then chốt dẫn tới sự hình thành và phát triển mâu thuẫn. Đó là lý trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi và hai đương sự Cải và Ngô, ai cũng muốn giành phần thắng nên đút lót cho lý trưởng.

Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi lý trưởng đột ngột tuyên bố đánh phạt Cải mười roi. Buồn cười ở chỗ là hai nhân vật một bên thì chủ động, còn bên kia thì hoàn toàn bị động. Một bên cứ kết án, một bên xin xét lại. Động tác và lời nói của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Cải xòe năm ngón tay nhắc nhở thầy Lý số tiền mà mình đã đút lót. Thầy Lý xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay phải để nhắc nhở lượng tiền gấp đôi của Ngô. Hai người dung ngôn ngữ cử chỉ bởi họ đang thực hiện những hành vi mờ ám ngay chốn công đường. Màn kịch khép lại bằng một câu kết chắc nịch của Lý Trưởng: Tao biết mày phải…nhưng nó lại phải…bằng hai mày.

Lẽ phải (trừu tượng) được tính bằng năm ngón tay (cụ thể), hai lần lẽ phải được tính bắng mười ngón tay. Điều thú vị mà tác giả dân gian dành cho người đọc là:  năm ngón tay của Cải là “kí hiệu” của tiền tệ thì hai bàn tay úp vào nhau của lý trưởng cũng là “kí hiệu” biểu thị cho lượng tiền đút lót của Ngô.

Truyện còn dùng hình thức chơi chữ để gây cười. Từ phải trong truyện này đa nghĩa. Nghĩa thứ nhất là lẽ phải, chỉ cái đúng, người đúng đối lập với cái sai, người sai. Nghĩa thứ hai chỉ điều bắt buộc, nhất thiết phải có, tức là mức tiền lo lót. Lời lý trưởng: “Tao biết mày phải…nhưng nó lại phải…bằng hai mày” lập lờ cả hai nghĩa ấy không phải ngẫu nhiên, về thứ hai trong lời thầy lý lại được dùng để đặt tên cho truyện này.

Ở đây, ta thấy ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ động tác thống nhất với nhau, có giá trị ngang nhau. Ngôn ngữ lời nói là ngôn ngữ công khai cho tất cả những người có mặt cùng nghe. Ngôn ngữ bằng động tác là ngôn ngữ “bí mật”, chỉ có người trong cuộc (thầy Lý và Cải) mới hiểu được. Hai thứ ngôn ngữ ấy làm rõ nghĩa cho nhau để chỉ ra thực chất của sự nổi tiếng xử kiện giỏi của viên Lý Trưởng nọ.

Lý trưởng là người đứng đầu trông coi việc hành chính trong làng. Viên lý trưởng trong truyện nổi tiếng xử kiện giỏi. Song cái tiếng tăm ấy lại hoàn toàn đối lập với thực chất bên trong. Ngô và Cải đều phải lo đút lót trước cho lí trưởng. Sự công bằng, lẽ phải- trái không có ý nghĩa gì ở chốn công đường khi lí trưởng xử kiện. Lẽ phải ở đây thuộc về kẻ nhiều tiền, nhiều lễ vật lo lót. Đồng tiền đã ngự trị chốn công đường, bất chấp công lý. Đúng là: Nén bạc đâm toạc tờ giấy và Cải, Ngô là các nhân vật bi hài, vừa đáng trách, vừa đáng cười, vừa đáng thương.

Truyện rất ngắn, kết thúc bất ngờ nhưng nó nói đủ những điều muốn nói và tiếng cười vừa giòn giã, thâm thúy cũng đồng loạt cất lên. Nó phần nào gợi được cho chúng ta liên tưởng về hình ảnh “quan xử kiện” trong xã hội ngày nay.

Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là một vấn đề nóng trong suốt nhiều năm gần đây. Vào rạng sáng ngày 21.11.2013, trong một phiên họp, các đại biểu Quốc Hội đư ra chất vấn chánh án Toàn án nhân dân tối cao về án oan sai. Trong đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, hàng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn xin giám đốc thẩm, tái thẩm, cho thấy niềm tin của người dân về công lí là chưa cao. Đặc biệt vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn 10 năm bị tù đã gây bức xúc trong dư luận.

“Người ta cho rằng Nhất nhật tại tù, nghìn thu tại ngoại, vậy trách nhiệm của Chánh án tới đâu trong vụ án oan sai, có biện pháp gì để minh oan, bồi thường cho người bị oan?”, ông Thuyền chất vấn. Qua đó đại biểu Thuyền cũng đặt ra câu hỏi: “Liệu còn có bao nhiêu con Thỏ mà chúng ta lại tuyên là con Gấu hay không?”. Về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng chất vấn chánh án toàn án nhân dân tối cao về các giải pháp hạn chế oan sai.

Ông Hồ Trọng Ngũ (Văn phòng quốc hội) từng nói: “ Một trong những nguyên nhân dẫ đến oan, sai trong tố tụng hình sự là một số ít cán bộ của bộ máy tư pháp, trước những mợi ích thiển lân, đã chà đạp lên công lý, đổi trằng thay đen, coi thường các giá trị ề tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích của công dân”.

Trong ngành tư pháp hiện nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ Luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự qua những vụ án oan, sai thì nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, bản lĩnh chính trị và đạo đức của cán bộ tư pháp, đăc biêt là những người tiên hành tố tụng; xử lý nghiêm minh kịp thời mọi hành vi lôi kéo, mua chuộc, gây ảnh hưởng phía đương sự, người bị xét xử đối với người tiến hành tố tụng, nghiêm trị những người tiến hành tố tụng sai phạm…có lẽ chính là việc cần làm ngay để phòng, chông oan,sai hình sự và thực hiện được các mục tiêu của cải cách tư pháp.

Hình ảnh “quan xử kiện” trong truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” hiện lên là một vị lý trưởng tham tiền, đút lót, xem thường công lý, xử kiện dựa vào “số tiền”. từ đó giúp ta liên hệ đến hiện trạng xử án oan sai do vô trách nhiệm, tham ô của  những người trong giới tư pháp. Truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” và những vụ án oan sai trong nhiều năm gần đây chính là hồi chuông thức tỉnh cho mỗi chúng ta: đừng vì nóng vội muốn thắng kiện mà chấp nhận bỏ tiền ra đút lót cho các “quan xử kiện”. Chính điều đó sẽ góp phần tạo ra những “vị quan” tham ô, vì tiền mà quên đin nhiệm vụ của bản thân, làm mất đi sự công bằng trong xã hội.

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025