446 lượt xem

CLB “SÁCH VÀ CUỘC SỐNG” – TUẦN 3 THÁNG 4

            Được sự tài trợ của Nhà xuất bản Nhã Nam, CLB “Sách và Cuộc sống” của trường THPT Đào Duy Từ triển khai dự án “Thư viện xanh” với mục đích không để những cuốn sách “phủ bụi” trên kệ sách thư viện nhà trường.

Hàng tháng, các bạn học sinh trong CLB “Sách và Cuộc sống” sẽ  giới thiệu đến các bạn học sinh những cuốn sách hay nên đọc. Hi vọng các bạn có thể lựa chọn cho mình ít nhất một cuốn sách để cùng nhau đọc, chia sẻ kiến thức văn hoá – văn học làm giàu có cho tâm hồn, trưởng thành trong nhận thức.

Trong tuần 3 của tháng 4/2018, CLB“SÁCH VÀ CUỘC SỐNG” xin gửi đến đến các bạn học sinh 7 cuốn sách sau đây:

1. NGHỆ THUẬT TƯ DUY RÀNH MẠCH

 

            Trong cuộc sống, mọi người đều có những lúc mắc sai lầm. Việc quyết định sai lầm đều bắt nguồn từ các lỗi tư duy tưởng như đơn giản, nhưng dần dà chúng tích tụ thành những thành kiến khó bỏ. Hiếm khi, ta dám nhìn nhận điều đó nên dễ có những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm. Điều đó sẽ khiến chúng ta thấy hối tiếc với những quyết định không đúng. Đó là việc cứ mãi đeo bám một công việc dù bản thân không thích thú, đam mê hay không nhận lại được điều gì. Và sau mỗi thất bại, bạn thường đổ lỗi cho khách quan, không bao giờ chịu nhận lỗi là do suy nghĩ sai lầm của bản thân. “NGHỆ THUẬT TƯ DUY RÀNH MẠCH” – cuốn sách gồm 99 bí kíp được cô đọng lại một cách cực kỳ súc tích và dễ hiểu sẽ giúp bạn hạn chế những lỗi tư duy phổ biến mà hầu hết chúng ta đều mắc phải. Những lời khuyên rất chân thành nhưng vẫn cực kỳ sâu sắc được tác giả truyền tải qua hơn 400 trang sách sẽ giúp bạn có những định hướng đúng đắn hơn trong tư duy của mình. Nhìn qua thì cuốn sách có vẻ khá dày và hơi khó “nuốt” nhưng hoàn toàn không phải như vậy, nó cực kỳ logic và dễ hiểu, không bị khô khan như một số cuốn cùng thể loại. Hơn nữa, cuốn sách được chia làm rất nhiều mục nhỏ, điều này giúp bạn dễ dàng tiếp thu và áp dụng những kiến thức đã đọc trong sách.

“Nếu bạn bị đưa ra chiến trường, và bạn không đồng tình với mục đích của cuộc chiến ấy, hãy đào ngũ.”

Đọc từng trang sách, bạn như được đưa vào một thế giới mới hoàn toàn khác, mọi sự vật, hiện tượng hay những sai lầm đều được lý giải một cách logic. Có thể khi ấy, bất chợt ta nhận ra mình còn “dại” nhiều lắm. Cuốn sách không phải là kim chỉ nam, là chìa khoá hay bí quyết để giúp bạn hạnh phúc hơn trong cuộc sống, nó chỉ có thể giúp bạn đương đầu với những lỗi lầm mình tự gây ra.

2. GIÓ ĐẦU MÙA

 

             Khi đất trời Hà Nội vừa bước vào những đợt rét đầu tiên, bất kỳ người đọc nào cũng ngổn ngang trong tâm trí mình nỗi nhớ về một thuở gió lạnh đầu mùa, dịu dàng, ấm áp trong truyện ngắn của Thạch Lam.

“Buổi sáng hôm nay mùa đông đột nhiên đến không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua trời vẫn còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng 10 làm nứt nẻ đồng ruộng và làm vàng khô những chiếc lá rơi, Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.

Thế mà qua một cơn mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở mùa đông rét mướt”.

Trong tập “GIÓ ĐẦU MÙA”, ngoài những truyện ngắn vốn đã quen thuộc như Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Đêm ba mươi… thì có những truyện ngắn còn lạ, nhưng vẫn mang đậm phong vị Thạch Lam, dễ khiến độc giả bứt dứt, trăn trở.

Đọc “GIÓ ĐẦU MÙA”, người đọc là cảm nhận được Hà Nội thanh tao qua từng trang viết đầy ý nhị của Thạch Lam. Một Hà Nội khi xa, khi gần, khi chỉ là nền cảnh, khi lại là tác nhân của sự đổi thay, biến dạng.

Văn Thạch Lam nhẹ như nước, mềm như nước, mà cũng dữ dội, đắm đuối như nước. Đắm mình trong văn chương của ông, phải thong thả mà tận hưởng, thong thả mà chiêm nghiệm. Như lời nhà văn Nguyễn Tuân: “Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời. Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học…”. Đó cũng xem như một lời trân quý mà Nguyễn Tuân dành cho những nết văn chương tinh túy của nhà văn.

3. SẾP NỮ

 

            Được ca ngợi như một “hiện tượng” cá biệt và truyền cảm hứng mạnh mẽ trong làng thời trang Mỹ, Sophia Amoruso khởi nghiệp từ một gian hàng bán quần áo cũ với cái tên nghịch ngợm Nasty Gal, không phải với một kế hoạch kinh doanh bài bản, để rồi, chỉ trong vòng 10 năm, cô trở thành CEO quyền lực mà mọi tạp chí hàng đầu của nước Mỹ phải nhắc đến với sự vì nể. Cô đã quyết định kể lại câu chuyện hi hữu của mình, mong chia sẻ với độc giả, nhất là những cô gái trẻ đang hăm hở vào đời, những bí quyết để trở thành một SẾP NỮ. Câu chuyện thành công “thần tốc” của một doanh nhân không có bằng đại học, từng mắc chứng bệnh tăng động và khó hòa nhập với xã hội, sống qua ngày bằng việc bới thùng rác và ăn cắp vặt trong các cửa hiệu được kể lại với sự thẳng thắn tuyệt đối, sự nghiêm túc mà láu lỉnh của một cô gái trưởng thành trong trường đời nhiều hơn nhờ trường lớp, giúp cho bạn đọc trẻ có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống và ý chí xả thân mạnh mẽ hơn để chạm tới ước mơ. Xuyên suốt cả tự truyện là bí quyết thành công của Amoruso muốn gửi gắm và truyền đạt đến người đọc. Đó là nghệ thuật thấu hiểu khách hàng “tôi hiểu các khách hàng của mình và hiểu thứ họ thích bởi vì tôi là họ, và thay vì chỉ ra cái khách hàng tôi nên mua và mặc thì tôi lắng nghe họ.”

Dù từng là một kể trộm vặt, không một xu dính túi nhưng Nasty Gal đã ra đời và phát triển một cách kì diệu khi không cần vay mượn một xu nào cho tới khi các nhà đầu tư tự động gõ cửa. Đối với một nhà khởi nghiệp việc thu hút được các vốn đầu tư chính là một cơ hội giúp họ thành công nhanh hơn, tuy nhiên với Amoruso thì cô lại có quan điểm khác “tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp khi mới thành lập biến mất sau khi tạo ra một hiệu ứng choáng ngợp với báo giới, mặc dù truyền thông có thể gia tăng doanh số, thu hút khách hàng, doanh nghiệp lớn thì việc thổi còi quá sớm có thể bị cho vào thế bị soi, trong khi bạn vẫn đang loay hoay với những vấn đề cơ bản trong hệ thống điều hành doanh nghiệp”. Khi đã thành công trên con đường của mình vị “sếp nữa” này đã chia sẻ “tôi không muốn bạn ngưỡng mộ, vì ngưỡng mộ một ai đó sẽ kiềm hãm bản thân bạn…”.

“Không chỉ cung cấp một cẩm nang làm giàu nhanh chóng hay một danh sách những thủ thuật kinh doanh, Sophia Amoruso chỉ cho những người có óc đổi mới và tinh thần doanh nhân biết phát huy những điểm mạnh, học hỏi từ sai lầm của chính mình và biết khi nào thì nên phá vỡ một số quy tắc truyền thống.”—Vanity Fair

4. DÁM BỊ GHÉT

Chúng ta luôn cố gắng sống một cuộc sống lấy lòng người xung quanh, muốn trong mắt người lớn ta luôn phải là con ngoan trò giỏi, là tấm gương mẫu mực, công dân lương thiện, và phải là “con nhà người ta”. Chúng ta cố gắng học thật giỏi, thi vào một người thật tốt theo ý của bố mẹ để họ hãnh diện. Nhưng tất cả quy chung lại thì thước đo giá trị của bản thân đều nằm trong tay kẻ khác. Có lẽ chúng ta không sai, chỉ là chúng ta đang thiếu “can đảm” mà thôi, nói một cách khác là ta không đủ “can đảm” để hạnh phúc, bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét”. Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc. Cuốn sách “DÁM BỊ GHÉT” của tác giả người Nhật Kishimi Ichiro và Koga Fumitake sáng tác nhằm diễn giải góc nhìn của nhà tâm lý học Alfred Adler (1870-1937) mang chủ đề tâm lý, triết học dưới dạng đối thoại trong 5 đêm kể về góc nhìn mới qua “Thuyết mục đích. Nếu như với Freud, ông cho rằng “quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại”, thì ở đây Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”, và tâm lý học Adler được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”.

“DÁM BỊ GHÉT” là câu chuyện về hành trình tìm hiểu bản thân, về bản chất của mối quan hệ giữa người với người về tư tưởng “con người có thể thay đổi thế giới cực kỳ đơn giản, ai cũng có thể hạnh phúc”.

5. VANG BÓNG MỘT THỜI

“VANG BÓNG MỘT THỜI” đúng như tên gọi là tập truyện ngắn được Nguyễn Tuân chắp bút để hồi sinh lại trong tâm trí người đọc những vẻ đẹp một thời nay chỉ còn vang bóng. 14 câu chuyện là 14 vẻ đẹp khác nhau được khắc họa giản đơn nhưng giàu trọn vẹn.

“VANG BÓNG MỘT THỜI” là cái đẹp váng vất u buồn của một thời xa vắng. Là cái đẹp của một hành trình đầy hoài vọng của Nguyễn Tuân. Đọc tác phẩm, ta như cảm nhận được những  nếp sống cũ và có chút tiếc nuối cho những cái đẹp. Đọc, nhìn ngắm cái đẹp ta mới thấy hoài niệm, cái xưa cũ trong từng câu chuyện. Lần lượt đọc hết cả 14 truyện trong “VANG BÓNG MỘT THỜI” chúng ta hiểu hết được hai chữ “thiện lương” mà tác giả dùng trong “Chữ người tử tù”.

Con người và sự vật, qua ngòi bút Nguyễn Tuân, đều được khai thác trên phương diện mỹ thuật và tài hoa nghệ sĩ. Văn Nguyễn Tuân sang trọng, uyên bác nhưng vẫn gần gũi độc giả một cách rất riêng. “Nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật” chính là một cách để “nhận diện” Nguyễn Tuân giữa bạt ngàn văn sĩ Việt Nam lúc bấy giờ.

6. TỈ PHÚ “KHÙNG” JACKMA VÀ ĐẾ CHẾ ALIBABA

 

             “TỈ PHÚ “KHÙNG” JACKMA VÀ ĐẾ CHẾ ALIBABA” là cuốn sách tập trung nhiều vào hoàn cảnh và tình hình Trung Quốc, thế giới khi Alibaba ra đời. Trong khi các cuốn sách khác viết về ông chỉ tô vẽ nên một con người thần tượng, không có cái nhìn đa chiều về một doanh nhân và những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt thì cuốn này khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm đó. Chúng ta sẽ cùng dõi theo Jack kể từ khi ông còn là một cậu bé tỉnh lẻ Hàng Châu cho tới khi thành giáo viên dạy tiếng Anh trong sự chuyển biến của nền kinh tế Trung Quốc sau cải cách và mở cửa, rồi quyết tâm của ông khi bỏ công việc dạy học để nhảy vào “đại dương” của tinh thần doanh chủ. Cùng với sự ra đời và phát triển ngoạn mục của Alibaba với bao nhiêu thăng trầm, kể từ ngày đầu chưa có định hình về lĩnh vực hoạt động cho tới khi trở thành một đế chế toàn cầu, với định giá công ty ở mức gần 300 tỉ đô-la Mỹ sau vụ IPO trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York năm 2014. Chân thực, khách quan, cuốn duy nhất giải thích được nguồn tiền của Jack Ma khi khởi nghiệp. Ở độ tuổi còn trẻ như vậy Mã Vân lấy đâu ra tiền để mua một căn hộ ven hồ để đặt trụ sở công ty khi khởi nghiệp? Tiền đâu để qua Úc với mức lương giáo viên ít ỏi như vậy? Tất cả chỉ có trong cuốn sách này. “Phần thưởng luôn xứng đáng với những người dám đấu tranh” hay như Jack Ma nói “Hãy là người cuối cùng trụ lại.”

7. HÃY CHĂM SÓC MẸ

 

            Người ta thường nói mất đi rồi mới thấy đáng quý, đó chính xác là tâm trạng của những người đang dần nhớ ra rằng có một người phụ nữ đã sống và làm việc cả một đời vì họ như thế nào. Cuốn sách “HÃY CHĂM SÓC MẸ” của Shin Kyung Sook kết thúc với chính những tâm tư tình cảm của người mẹ đi lạc, bà sẵn sàng làm tất cả vì con cái của mình, như hầu hết mọi người mẹ khác trên đời. Câu chuyện đi tìm người mẹ lớn tuổi đi lạc tại ga Seoul mà Shin Kyung Sook thuật lại trong “HÃY CHĂM SÓC MẸ” sẽ khiến chúng ta phải giật mình vì những hành vi thường ngày của mình. Chúng ta đã tốt với Mẹ chưa, đã làm gì khiến Mẹ buồn mà không ý thức được, đã từng có suy nghĩ bất hiếu nào? Người mẹ già yếu trong câu chuyện đã quá quen với cuộc sống làm lụng vất vả, luôn tay luôn chân, và dĩ nhiên bà quá xa lạ với những thứ gọi là xã hội hiện đại. Khi mẹ mất tích, những người con, cả trai lẫn gái, đều khó khăn lắm mới nghĩ ra được cách để tìm bà. Bằng tờ rơi, bằng tin tức, bằng cách đi đến những điểm gần nơi bà bị lạc. Khoảng thời gian đi tìm mẹ là khoảng thời gian họ nhận ra họ đã “bỏ mặc” mẹ mình nhiều như thế nào. Mẹ không biết đọc từ khi nào nhỉ? Mẹ đã hy sinh những gì? Mẹ đã nói dối chỉ để các con vui lòng như thế nào? Từng mảng kí ức chạy ngang qua đầu họ như chuyến tàu tốc hành mà họ không tài nào đuổi theo kịp, cũng như những tội lỗi mà họ đã vô tình hay hữu ý làm với người đã sinh thành nên mình. Đến giờ, khi mẹ bị lạc, bà lại đang trải qua những gì ngoài kia mà họ không thể biết. Thế giới của mẹ như thế nào? Họ hiểu gì về tâm tư, nguyện vọng của mẹ? Rồi họ tự hứa với lòng sẽ đối xử với mẹ mình tốt hơn, sẽ có hiếu hơn, nếu như bây giờ không quá muộn. Thế nhưng họ có tìm được lại mẹ để chuộc lỗi hay không? Sau khi đọc xong cuốn sách tôi băn khoăn, tự hỏi “thật sự mình đã hiểu mẹ chưa?”. Đọc quyển sách này, chắc chắn bạn sẽ khóc, khóc vì câu chuyện cuộc đời người mẹ qua những góc nhìn của từng thành viên trong gia đình, qua những năm tháng người phụ nữ ấy chắt chiu và gom góp yêu thương. Đọc để hiểu rằng chúng ta không chỉ nên yêu thương mẹ mình nhiều hơn, mà nên nói với bà điều giản đơn ấy, trước khi những yêu thương dành cho bà chỉ còn là kí ức.

Ban truyền thông

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025