Không hẳn là một phương pháp học mà là cách chúng ta chọn đối diện và trải nghiệm trong học tập, trong cuộc sống. Nếu cuộc sống cứ chảy êm đềm thì cô sẽ giống như các bạn của mình sẽ tiếp tục theo học tại ngôi trường chuyên danh tiếng của Hà Nội – chuyên Amsterdam – nơi mà cô cùng các bạn theo học từ cấp 2.
Nhưng sau kì thi tuyển sinh vào 10 nếu được cộng hưởng thêm một chút may mắn thì có lẽ bây giờ cô đang là một Amser. Được sự giới thiệu của bạn bè và sự tin tưởng vào ngôi trường Đào Duy Từ, bố mẹ cô đã nộp hồ sơ cho cô, với nhân duyên đó cô đã trở thành một đứa con trong đại gia đình Đào Duy Từ – nơi cho cô bùng cháy, cho cô đất diễn. Đó là học sinh: Nguyễn Phương Thảo- Lớp 10D01. Đến thời điểm hiện tại cô được coi là một trong những học sinh tiêu biểu của khối 10 với thành tích đạt huy chương Đồng trong kỳ thi sáng tạo và sáng chế phát minh quốc tế tại Đài Loan hồi tháng 12/2018 và là cái tên mà hiếm thầy cô nào từng dạy có thể quên. Mời các bạn cùng lắng nghe chia sẻ của cô học trò này nhé!!!
Hs Nguyễn Phương Thảo – Lớp 10D01
Các bạn đã bao giờ được nghe về cụm từ : “Thư viện 24h Havard”. Đó chính là cụm từ để chỉ về hình ảnh một thư viện sáng đèn bất kể ngày hay đêm ở ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới “Havard”. Ở Havard chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh sinh viên đọc sách ở bất kỳ nơi đâu, dù là nhà ăn hay bệnh viện phải chăng cũng chỉ là hình thức khác của thư viện mà thôi. Trước mỗi kì thi, thậm chí họ chỉ dám ngủ hai tiếng một ngày và đặt tới sáu cái chuông báo thức. Harvard không phải là thần thoại, Harvard chỉ là một minh chứng, minh chứng cho ý chí, tinh thần, tham vọng, lí tưởng của con người. Tiềm năng song hành với mơ ước của con người rốt cục mạnh mẽ đến như thế nào? Ví dụ trên được tôi đưa ra để đối chiếu với thực tại rằng, chúng ta – những người học sinh luôn than vãn và áp lực về chuyện bài vở. Liệu mỗi chúng ta đã có những hoài bão cho riêng mình? Có thực sự cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa mà việc học có thể mang lại cho chúng ta? Có lẽ chỉ khi ta ý thức được tầm quan trọng của nó, ta mới học bằng tinh thần hăng hái và tự nguyện.
Phương Thảo (bên trái) – cùng thành tích đạt được
Về tình hình chung, có lẽ chúng ta đều nhận thấy rằng trong giờ học của các lớp còn thiếu tính năng động và sôi nổi. Nhiều bạn đến lớp với một tinh thần uể oải, chán nản, còn chưa tập trung hết mình vào việc học, tâm hồn treo ngược cành cây. Tôi thiết nghĩ giờ học còn cần hơn nữa những yếu tố năng nổ, hoạt bát, cùng giáo viên xây dựng nên một tiết học. Tôi thiết nghĩ bài giảng và môn học chỉ hay khi chúng ta dành cho nó sự chú ý và tập trung. Bằng không chúng ta sẽ không hiểu bài, lâu dần dẫn đến tâm lý chán nản và thậm chí là nói xấu giáo viên. Một yếu tố khác cũng làm cho việc học bị trì trệ – một vấn đề muôn thủa ta vẫn đề cập tới đó chính là “bài tập về nhà”. Người xưa vẫn thường nói: Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Trước khi ta ca thán về khối lượng bài tập lớn, chúng ta liệu có đặt ra cho bản thân mình một nghi vấn rằng: “Chúng ta đã thật sự tận dụng và phân chia quỹ thời gian của mình một cách khéo léo và làm bài tập một cách có trách nhiệm khi mang trong mình tiềm thức rằng nó đang có tác động tốt đến chúng ta”. Vậy căn nguyên của tình trạng lười làm bài tập diễn ra phổ biến và thường xuyên là gì? Đặng Hoàng Giang đã từng viết trong cuốn sách Bức Xúc không làm ta vô can đó là:“Đám đông cho ta một bản sắc và khi ở đó con người thường đánh mất bản thân mình”. Chúng ta thường sẽ có suy nghĩ bớt đi cảm giác tội lội của chính mình nếu bạn chúng ta cũng không làm vì vậy học sinh lại có xu hướng rủ rê nhau cùng không làm bài tập. Vậy nên nếu không thoát khỏi tư tưởng đến từ đám đông, học sinh ngày càng coi nhẹ chuyện thiếu bài tập và dễ dàng như là một điều bình thường.
Vậy quan trọng nhất trong việc học đó là chúng ta tìm được và xác định mục tiêu của việc học. Khi tôi còn học cấp hai, tôi may mắn được học một ngôi trường chuyên Hà Nội. Bạn bè của tôi đều là những người hết sức thông minh, giỏi giang vậy nên trong suy nghĩ của tôi, tôi sẽ không bao giờ học tốt hay nổi trội hơn họ. Vì thế tôi không có mục tiêu gì để thúc đẩy bản thân cần cố gắng nhiều hơn để đưa mình ra khỏi vùng an toàn. Tôi luôn chỉ học để tồn tại chứ chưa bao giờ học với tinh thần để tìm thấy giá trị và khẳng định vị trí của mình. Tinh thần học tập nên xuất phát từ sự tự nguyện, phù hợp với năng khiếu và đi theo ước mơ của mỗi cá nhân chứ không nên là sự gò ép những thứ bản thân mình không phù hợp (Bởi lẽ ở đây cũng có nhiều bạn có năng khiếu ở những lĩnh vực khác như thể thao, nghệ thuật,…) Nhưng nếu có mục tiêu rõ ràng thì chúng ta nên chuẩn bị hành trang từ bây giờ để theo đuổi nó, việc tích lũy kiến thức chưa bao giờ là đủ.
Phương Thảo cùng đoàn tham dự cuộc thi phát minh và sáng tạo
Sau cú thất bại đầy đau đớn khi không đỗ vào THPT chuyên, câu nói của chị Nguyễn Đình Tôn Nữ (Người đã được nhận vào đại học Havard danh giá) đã tiếp cho tôi động lực vô cùng to lớn và có niềm tin vào tương lai của mình “Thà thất bại đến mức không thể thất bại hơn còn hơn là mãi làng nhàng ở vị trí bình thường”. Nó cũng có ý nghĩa tương tự như một câu trong tiếng Anh “No ventured no gain. Không có mạo hiểm thì sẽ không đạt được thành công. Chúng ta hãy tự tạo cho mình một môi trường học tập có sự cạnh tranh để bản thân mình cố gắng, cố gắng làm phiên bản tốt nhất của chính mình. Tất nhiên sự cạnh tranh ở đây là lành mạnh. Mỗi chúng ta nên biết chủ động trong việc học của mình và tìm kiếm cơ hội . Chủ động ở đây là chủ động việc bài vở, ôn tập, cũng như là điểm số. Hãy biết kiểm soát điểm số của chính mình bằng cách ghi chép lại mỗi lần mình có điểm, chủ động trong việc gỡ điểm. Chính việc tưởng như nhỏ này nhưng lại cho bạn nhiều động lực để học hăng hái hơn, đạt nhiều điểm tốt hơn. Thêm vào đó tôi nghĩ rằng việc học tập nói riêng và trong cuộc sống nói chung thì điều cần thiết nhất để tạo dựng nên thành công của mỗi chúng ta đó là biết nắm bắt cơ hội. Trường Đào Duy Từ là một ngôi trường đang phát triển theo hướng ngày càng toàn diện hơn và cho học sinh rất nhiều cơ hội để trải nghiệm và thử sức mình trên nhiều lĩnh vực. Trường chúng ta ngoài trao thưởng rất cao cho các kì thi chất lượng, thi thử đại học còn tổ chức rất nhiều những hoạt động khác như khởi động các câu lạc bộ: MC, hung biện, tiếng Anh, nhảy, hát… Mỗi chúng ta xin hãy đừng quan trọng hóa kết quả mà hãy đặt hai chữ “trải nghiệm’ lên hàng đầu. Càng trải nghiệm thì sẽ càng trưởng thành nhiều hơn, kinh nghiệm chính là thứ vô giá mà mỗi chúng ta sẽ thu hoạch được sau một lần thử sức bản thân. Nếu như ở những trường THPT khác còn chưa có phong trào đi thi khoa học kĩ thuật (KHKT) Quốc tế và những ngôi trường chuyên thì nhiều cuộc thi học sinh còn phải tự túc, học sinh trường chúng ta lại được nhà trường và thầy cô tổ chức, tạo điều kiện và giúp đỡ hết mình. Sau mỗi kỳ thi đó, ngoài những chiếc huy chương giá trị thì ta còn có cơ hội học hỏi từ thầy cô, bạn bè và từ chính lỗi sai của mình, bên cạnh nguồn tri thức vô giá thì ta còn rèn được tính kỷ luật, sự hợp tác. Chị Vy – hiện là sinh viên trường ĐH Northwestern, trong một buổi cafe đã nói với tôi một câu mà tôi luôn mang nó bên mình làm hành trang trong cuộc sống “ Bloom in anyplace” có nghĩa là hãy tận dụng môi trường, đón nhận lấy những điều kiện mà nó trao cho bạn để tỏa sáng theo cách của riêng mình. Sẽ không có sân chơi nào chúng ta cảm thấy có ý nghĩa cho đến khi chúng ta tự mình tham gia và trải nghiệm, mọi cơ hội đều ở xung quanh chúng ta, chỉ là chúng ta có đón lấy nó hay không mà thôi.
Phương Thảo cùng sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh
Việc học không cần nhiều, không cần tràn lan, chúng ta nên biết chọn lựa và phải tự bản thân mình cảm thấy có trách nhiệm với việc học của mình. Học có lẽ sẽ chỉ hiệu quả nhất khi ta học với tinh thần hăng hái, cầu tiến và lạc quan. Mỗi ngày chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian ở bàn học, chúng ta chỉ cần dành đến một tiếng hoặc ít hơn (tùy theo khối lượng bài tập của bạn). Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó hãy tập trung một cách tuyệt đối và rời xa những thứ có thể cám dỗ bạn. Chu trình của việc học dù đã rất quen thuộc với chúng ta nhưng nếu ta có thể kết hợp những yếu tố trên và làm theo thì chính chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên với sức bật của mình trong thời gian ngắn: Chuẩn bị bài – tập trung nghe giảng (có lẽ chỉ cần chú ý và lắng nghe lời thầy cô giáo giảng bạn đã học được đến 70%) – xem lại bài. Điều đó khiến ta tiến bộ và vượt lên chính bản thân mình.
Nguyễn Phương Thảo – 10D01