• Trang chủ
  • Thầy cô và mái trường
  • HỌC THẦY – HỌC BẠN: bài viết nghị luận xã hội “Thanh niên phải luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trường, dối trá”
797 lượt xem

HỌC THẦY – HỌC BẠN: bài viết nghị luận xã hội “Thanh niên phải luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trường, dối trá”

Tuần này thầy/cô tổ Ngữ văn xin giới thiệu đến các bạn học sinh bài viết nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) của bạn Tô Việt Hoàng lớp 12Do (2013 – 2016) với quan điểm: “Thanh niên phải luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trường, dối trá”

Các em cùng đọc tham khảo, học hỏi cách viết bài của bạn nhé!

Đề bài:

Đọc đoạn trích sau

 Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta…
Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ…
Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,…
Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá…
Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình
” …
(Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên,

Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37

Từ văn bản trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về quan điểm: thanh niên “phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá…”

Bài viết tham khảo:

Có ý kiến cho rằng: “Thanh niên phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá…”. Theo tôi đây là một quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên ta phải hiểu rằng những phẩm chất này không phải chỉ nên có lúc thành thanh niên mà ta nên có càng sớm càng tốt. Đầu tiên, hãy tìm hiểu về phẩm chất “khiêm tốn” và “không phô trương”. “Khiêm tốn” nghĩa là không tự cao tự đại , không tự cho mình là nhất. Người khiêm tốn là người luôn biết tự lượng sức mình, biết những giới hạn và khả năng của bản thân và không dễ tự mãn chỉ vì chút vinh quang. Ngược lại với “khiêm tốn” chính là “phô trương”. Những người này luôn khoe khoang dù chỉ là chút ít thành công họ đạt được. Đặc điểm điển hình của kẻ phô trương là hay soi mói, chỉ trích người khác, tự đề cao bản thân. Người khiêm tốn thường được coi trọng và tin cậy trong khi kẻ phô trương thường kết thù nhiều hơn là bạn. Tiếp theo, hãy cùng so sánh “thật thà” và “dối trá. “Thật thà” tức là sống thành thật, thẳng thắn, không cường điệu hóa hay xuyên tạc sự thật. Ngược lại, “dối trá” tức là sử dụng những lời lẽ không đúng sự thật để nói xấu người khác hoặc vụ lợi cho bản thân. Có khi nào “thật thà” thì toàn thiệt thân?  Điều này đúng vì những người thật thà quá thường hay bị lợi dụng. Họ chưa hiểu rằng không phải ai cũng thành thật như họ. Điều phũ phàng là cuộc sống được tạo nên từ những mảnh vỡ sự thật và được gắn kết bởi lớp keo nói dối. Nhưng đó là những lời nói dối vô hại, không ảnh hưởng tới người khác. Cách khôn ngoan nhất có lẽ là ta nên luôn thành thật nhưng chỉ nên nói dối khi thật sự cần thiết. Điều tương tự cũng nên áp dụng với lối sống khiêm tốn. Nếu khiêm tốn quá khiến người đời nghĩ mình giả tạo thì ta vẫn nên khiêm tốn nhưng đừng phủ nhận công lao của mình. Sống thật thà và khiêm tốn là hai phẩm chất tốt nên có ở mọi người, đặc biệt là thanh niên. Điều này sẽ giúp ta sống tốt hơn và khiến các mối quan hệ trong cuộc sống bền vững hơn.

Bài viết của bạn Tô Việt Hoàng 12Do (2013 – 2016)

(Bạn Tô Việt Hoàng – Áo phông đỏ đứng ngoài cùng bên trái)

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025