492 lượt xem

Sơn La – Những ngày xuân về

     (ĐDT) – Nếu như Hà Nội vào xuân với sắc thắm hoa đào thì vùng đất Sơn La – quê hương tôi lại chào xuân với sắc trắng hoa ban. Hoa ban trắng muốt, tinh khôi, đơn giản tựa như con người vùng núi cao mộc mạc, hiếu khách và rất trọng tình người.

Hoa ban trắng muốt, tinh khôi tựa như con người vùng cao mộc mạc, giản dị

Tôi sinh ra ở Sơn La – nơi được biết đến với những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Bắc, là quê hương của “vợ chồng A Phủ” ở Hang Chú – Hồng Ngài. Là một học sinh ngoại tỉnh đang học tập dưới mái trường THPT Đào Duy Từ đã được hai năm, xuân này xin giới thiệu với thầy/cô và các bạn nét xuân trên vùng đất Sơn La qua phiên chợ tình Mộc Châu.

Chợ tình Mộc Châu là nơi những chàng trai cô gái nắm tay nhau làm quen, trò chuyện, hẹn hò. Họ diện cho mình những bộ trang phục mới nhất đã chuẩn bị từ lâu. Chàng trai thì mặc quần áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc chàm đen. Cô gái thường mặc áo trắng, đính hàng khuy bọc váy đen dài chấm gót được cuốn suông thêu viền hoa nơi gấu váy. Mái tóc đen dài ngang lưng ẩn hiện sau chiếc khăn Piêu sặc sỡ. Họ đeo trên cổ chiếc vòng bạc, hay xuyến trên tay như để tô điểm cho làn da trắng nõn của người con gái núi rừng Tây Bắc. Chợ tình trở thành nơi gắn kết, se duyên cho bao đời vợ chồng, là nơi để cho ta tìm kiếm nửa kia cuộc đời mình.

Các cô gái súng sính trên đường đến chợ Tình

Tại chợ tình Mộc Châu, ta cũng sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc miền núi. Đó là món thịt hun khói được tẩm ướp gia vị kĩ càng rồi dùng kẹp tre đặt lên than hồng; hay thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói trong lá dong, kẹp lại nướng trên than đỏ, khi thưởng thức vị thịt đậm đà mang theo hương lá thoang thoảng làm say lòng người. Ta cũng có thể thưởng thức món cá nướng được tẩm ướp gia vị đặc biệt thêm chút “mắc khén”, ớt khô vùi trong than. Để rồi khi đặt lên đĩa, ta sẽ bị hấp dẫn bởi món cá chín vàng, béo ngậy, gắp một miếng thưởng thức mà cảm giác như thịt cá tan ra trong miệng, khi nuốt xuống vẫn còn đọng lại dư vị nơi đầu lưỡi. Ta cũng không thể quên cơm lam, bánh tét, món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Bánh tét được gói trong lớp lá dong có cơm nếp cùng vài miếng thịt mỡ đem luộc. Cơm lam thì để gạo trong một khúc nứa, đem nướng đến khi chín. Dù là bánh tét hay cơm lam đều cho ta cảm nhận được mùi vị thơm dẻo của những hạt gạo.Những món ăn giản dị,không cầu kì công phu nhưng cũng đủ đem lại cho ta ấn tượng khó quên, những nét riêng của đất trời Tây Bắc.

Món bánh Tét ngày tết

Khi trời tối dần cũng là lúc mọi người trong bản quây quần bên nhau quanh ánh lửa bập bùng. Già trẻ, gái trai ai nấy đều nắm tay nhau xếp thành những vòng tròn cùng nhau múa hát. Những cô gái cùng nhau múa xòe, múa sạp, “váu cô” khẽ đưa theo từng điệu nhảy như con bướm đang bay lượn. Những người đàn ông vừa uống rượu cần, trò chuyện hay thưởng thức điệu múa. Có đôi khi họ thả hồn mình theo giọng hát ngọt ngào như vang vọng giữa núi rừng : “ Mời Noọng hãy tới đây,cho anh nắm tay xòe,bên ánh lửa hồng lung linh má em thêm hồng” hay “ Bài ca trên núi” kể về câu chuyện tình của vợ chồng A Phủ: “ Trời chỉ có sao sớm chiều núi chỉ có hai người-hai người yêu nhau…” Hay có đôi khi, mọi người lại quây quần quanh già làng nghe kể những câu chuyện tình như “Tiễn dặn người yêu”, “ Chuyện nàng Hơbiatô”… như một lời chúc phúc đến những cặp đôi mới tìm đến với nhau, kết tóc se duyên đến bạc đầu. Có những cô gái chăm chú lắng nghe, tựa đầu vào một bờ vai vững chắc cho mình nương tựa cả cuộc đời này. Những hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong tâm hồn tôi chẳng thể phai mờ.

Tết quê tôi tuy không nhộn nhịp, linh đình, đầy đủ như ở Hà Nội nhưng lại mang một nét rất riêng, rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Dù yêu thích khung trời Hà Nội nhưng dịp tết đến – xuân về tôi chỉ muốn được đi thật nhanh về với bản làng, với âm vang mùa xuân nơi đại ngàn thân thương!

Nguyễn Hoài Thương

(2012 – 2015)

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025