519 lượt xem

Tết về với Thái Bình quê tôi

(ĐDT) – “Đã thấy xuân về với gió đông

            Với trên màu má gái chưa chồng

            Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

            Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong”

Vần thơ xuân của thi sĩ Nguyễn Bính năm xưa đã gọi xuân về trong lòng tôi tự lúc nào! Xuân đến mang yêu thương, mang theo cả cảm giác se se lạnh của tiết trời cuối đông. Trong khoảnh khắc giao mùa này, tôi lại hướng lòng mình về quê hương, về mảnh đất ” chôn nhau cắt rốn”, vùng đất phong sương đã thấm đượm mồ hôi cha mẹ … vùng đất Thái Bình đã hóa tuổi thơ tôi.

Vùng đất phong sương thấm đượm mồ hôi cha mẹ)

Tôi không bao giờ quên được cảnh xuân về với quê hương hồi tôi còn nhỏ, và cho cho đến bây giờ cảm giác ấy vẫn rạo rực, chảy mãi trong tim tôi về một Thái Bình tươi đẹp căng tràn sự sống.

Hằng năm cứ ngày 26, 27 âm lịch không khí tết đã tràn mọi nẻo đường từ nông thôn tới thành thi. Nhà nào cũng sơn sửa thật đẹp, thật tươm tất. Mấy mẹ con chở nhau đi mua cành đào tươi; bọn trẻ con thì vui mừng, gặp bạn bè thì đưa ngay chiếc áo mới toanh ra khoe cười nhoẻn miệng. Cảnh ấy, nhộn nhịp biết mấy!

Ngày 28 tết cũng thật ngày rất đặc biệt. Đó là ngày đụng lợn lấy thịt ăn tết. Ngày xưa, cả năm chỉ mong đến tết mới có thịt ăn; ngày nay, có lẽ người ta đã quá chán với mọi thứ thịt tăng trọng thì thịt lợn quê thơm ngon, quanh năm ăn bèo, cám gạo càng đắt hàng. Tới ngày đó, người lớn nào bận rộn mổ lợn, xẻ thịt, chia phần, lũ trẻ con thì cứ thi nhau đùa giỡn mặc kệ mọi việc đang diễn ra. Vì toàn là anh em nên trưa hôm đó, mọi người ngồi lại cùng nhau. Các ông mâm trên thì uống rượu, các bà mâm dưới chuyện trò rôm rả, lũ trẻ thì miệng đứa nào cũng bõng nhẫy bên bát nước ” xuýt” nóng hổi. Chiều đến các nhà bắt đầu gói bánh, không khí tết càng thêm rộn ràng hơn bao giờ hết! Ngoài những chiếc bánh to được các ông, các bố gói dành cho ngày tết, bọn trẻ bao giờ cũng ngồi cạnh nì nèo cho được một cái bánh con.

Sáng ngày 29 tết bắt đầu vớt bánh chưng ra khỏi nồi. Hoa đào nở rộ hơn. Các bà thì lo trang trí cây cảnh trong nhà, bày biện bánh kẹo lên mặt tủ để sẵn sàng tiếp khách. Không khí vui, náo nhiệt truyền sang cả ngày 30 tết.

Những ngày gần tết có một tập tục mà người dân quê Thái Bình chúng tôi không thể bỏ là đi viếng mộ ông bà và mời ông bà về quê ăn tết cùng con cháu. Người lớn dẫn trẻ con đi theo, vừa bứt cỏ dại trên mộ, vừa kể và dặn dò con cháu sống cho hiếu thảo, luôn hướng về cội nguồn. Tối đến, mọi người mặc quần áo đẹp ngồi xem táo quân năm ấy, rồi ăn tất niên trước 23h30′ để còn kịp đi chùa hái lộc hoặc đi nhà thờ cầu xin cho năm mới an lành hạnh phúc. Trong phút giao thời, hai  tiếng chuông hàng ngày tuy nghe khác nhau của 2 tôn giáo khác nhau vậy mà nay dường như hòa làm một. Xuân về thật rồi! Năm mới đến ai nấy tay bắt mặt mừng, bỏ qua những điều mất lòng nhau và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.  Tuy pháo không nổ nhưng lòng người rạo rực.

Thái Bình quê tôi giờ đây đã giàu đẹp hơn xưa nhưng vẫn còn đâu đó những mảnh đời bất hạnh. Ước mong khi tết đến xuân về những tâm hồn bất hạnh sẽ tìm được điểm tựa yêu thương, sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn! Khi đó cũng là lúc ta cảm nhận được giá trị tinh thần, văn hóa lớn lao trong cái tết cổ truyền của dân tộc!

Trịnh Ngọc Sinh

2012 – 2015

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025