Nhiều chuyên gia về khảo thí có kinh nghiệm làm đề thi chưa thực sự thỏa mãn với đề minh họa và cho rằng một kỳ thi có 2 mục đích khác nhau thì việc ra đề cần được tiếp tục nghiên cứu một cách khoa học hơn.
Chưa đảm bảo tính phân loại
GS-TS Hà Huy Bằng, Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho rằng để ra một đề chung, phải bám vào các vấn đề cũ của 2 kỳ thi trước đây, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Phải kế thừa được cái hay ở đề thi của 2 kỳ thi đó. Cái hay của đề thi tốt nghiệp THPT là bám vào nội dung cơ bản của chương trình, kỳ thi ĐH, CĐ cũng bám vào cơ bản nhưng phải có tính phân loại. Chính vì vậy, chủ trương 60% đề thi có nội dung cơ bản là rất đúng bởi nếu không sẽ gây sốc cho xã hội.
Trước đây khi còn kỳ thi tốt nghiệp, khi xét tốt nghiệp thì còn môn nọ cứu được môn kia nếu tổng điểm vẫn cao. Còn giờ phân loại ngay trong 50% đề thi (như dự định trước đây của Bộ) thì việc học sinh (HS) đạt 5 điểm/môn là điều không dễ chút nào, từ đó tạo nên tình trạng điểm thi rất thấp so với trước, gây nên một cú sốc xã hội. “Như vậy, tính chất phân loại chỉ ở 40% đề thi thôi là được, không được nhiều hơn. Thậm chí còn phải xem nên ở mức 40% hay 35%”, Giáo sư Bằng đề xuất.
Với đề minh họa cả 3 môn toán, lý, hóa vừa rồi, Giáo sư Hà Huy Bằng nhận định chưa đảm bảo được tính phân loại, bởi cái “cơ bản” không chỉ là 60% như chủ trương của Bộ mà phải đến 80%. Nên điều chỉnh theo hướng để ít nhất 40% trong đó phân hóa tốt hơn. Phân loại không có nghĩa là đánh đố, mà đưa ra nhiều mức độ giải quyết ngay trong một câu hỏi.
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Trường THPT Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng đồng ý rằng đề này khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp và dễ hơn một chút so với đề thi ĐH. “Tôi biết cái khó của ban ra đề vì phải gộp bao nhiêu là mục đích vào một đề thi: nào là tốt nghiệp, nào là ĐH. Mà tốt nghiệp còn có của GDTX, vùng sâu vùng xa. ĐH thì cũng có tốp trên, tốp dưới”, ông Dũng phân tích.
Phải xem lại mục đích cốt yếu của kỳ thi
Không bàn trực tiếp vào đề thi minh họa mới được Bộ giới thiệu, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm chung: "Theo tôi, phải nói rõ thế này: Vì thi ĐH đã không phải là kỳ thi quốc gia, không còn yếu tố bắt buộc (nhiều trường ĐH, CĐ đã có đề án tuyển sinh riêng) nên chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT mới là kỳ thi quốc gia. Cũng bởi vậy nên mục tiêu cốt yếu của nó là xét tốt nghiệp THPT. Do đó, trước hết phải làm đúng nhiệm vụ của nó, đúng với tên của nó. Kết quả tốt nghiệp THPT sẽ được sử dụng ở những mức độ khác nhau theo những nhu cầu/yêu cầu khác nhau của các trường ĐH, CĐ. Nếu tiếp cận vấn đề như vậy thì sẽ rõ hơn".
Chính vì vậy, theo Giáo sư Thi, trong trường hợp đó không thể ra đề quá khó. “Nếu bây giờ mình ra khó như kỳ thi ĐH là sai mục đích. Thực tế cho thấy trước đây, 98% tốt nghiệp THPT nhưng rất nhiều bài thi bị điểm 0 tuyển sinh ĐH. Nếu mình ra đề thi theo yêu cầu tuyển sinh ĐH thì xét tốt nghiệp có khi phải lấy đến điểm 1, điểm 2", ông Thi nhận xét.
Giáo sư Đào Trọng Thi cũng cho rằng bài thi phải nhẹ nhàng để những HS trung bình phải được điểm trung bình. Nhưng với bài thi đó thì không thể tuyển sinh ĐH được. “Ai đó nói kết hợp câu này để tuyển sinh, câu kia để xét tốt nghiệp… là không phải. Nếu nói thế thì phải là 2 kỳ thi nhưng ngồi chung vào một giờ. Nếu cố gán ghép thì không hiệu quả. Tốt nghiệp không ra tốt nghiệp, thi ĐH không ra thi ĐH. Sẽ đưa ra một thứ mà xét tốt nghiệp cũng không được, xét vào ĐH cũng không được, vì cả hai cái chưa đến cái độ mình có đủ thông tin để mình làm”, ông Thi kết luận.
THEO BÁO ĐIỆN TỬ THANH NIÊN