605 lượt xem

CÙNG ÔN THI- BỘ MÔN VĂN

Để chuẩn bị cho kì thi thử đại học lần 2 năm học 2014 – 2015, các thầy/cô ở các tổ bộ môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa sẽ hướng dẫn các em học sinh ôn tập đề cương, giải đáp những vấn đề thắc mắc về kiến thức.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng – tổ trưởng tổ bộ môn Văn, gửi đến các em hệ thống câu hỏi đọc – hiểu văn bản văn học và tác giả văn học (trong giới hạn chương trình Ngữ văn 11). Kiến thức một năm học đã trôi qua, có thể các em chưa biết nên ôn tập từ đâu cho phù hợp với cách ra đề theo xu hướng mới của Bộ giáo dục và đào tạo. Hi vọng ngân hàng câu hỏi đọc – hiểu sau đây sẽ giúp các em định hướng được cách ôn tập đúng nhất, đạt kết quả cao nhất.

1. Bài “Chí Phèo” – Nam Cao

Đề 1:

Cho đoạn văn sau:

“… Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hơn, cái mặt thì đên mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

a. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của tác giả nào? Xác định nội dung của đoạn văn?

b. Tác giả sử dụng bút pháp nghệ thuật nào để miêu tả ngoại hình nhân vật? Nêu tác dụng?

c. Những nét vẽ về gương mặt “hắn”  để lại cho anh/chị những suy nghĩ, liên tưởng như thế nào về số phận nhân vật?

Đề 2:

“Hắn rút dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đã giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứa ra”

(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)

a. Đoạn văn trên miêu tả sự việc nào?

b. Cảm nhận của anh/chị về cái chết của nhân vật Chí Phèo, Bá Kiến?

c. Theo anh/chị tại sao Chí Phèo không thể tiếp tục sống? Cái chết của nhân vật có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm?

Đề 3:

Nước mắt là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong sáng tác của Nam Cao. Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao hai lần miêu tả giọt nước mắt của Chí:

“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”

“Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức”

a. Anh/chị hãy cho biết vị trí của hai chi tiết trên trong truyện ngắn “Chí Phèo”?

b. Nam Cao quan niệm “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”. Vậy, chi tiết giọt nước mắt giúp anh/chị cảm nhận như thế nào về cái nhìn của nhà văn Nam Cao đối với nhân vật Chí Phèo?

c. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 2 trang giấy thi)  trình bày suy nghĩ của anh chị về nước mắt – “giọt châu của loài người”, “miếng kính biến hình vũ trụ”.

Đề 4:

Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao được người dân làng Vũ Đại đánh giá là “con quỷ dữ”. Nhưng độc giả lại tìm thấy hai câu văn đánh giá sau về nhân vật trong tác phẩm:

“Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thắng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?”

(SGK, tr 184)

“Hắn thích chí, khanh khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền”

(SGK, tr 185)

a. Theo anh/chị, hai đoạn văn trên là lời đánh giá của ai về Chí Phèo?

b. Qua lời đánh giá “hiền như đất”, anh/chị hiểu thêm điều gì về nhân tính của nhân vật? về tình cảm của nhà văn Nam Cao với người nông dân nghèo bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, tha hóa?

c. Viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn nhân vật Chí Phèo?

Đề 5:

“Chí Phèo” là truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nam Cao viết về đề tài người nông dân nghèo. Xung đột giai cấp nông dân – địa chủ được thể hiện qua mối quan hệ Chí Phèo – Bá Kiến. Từ sau khi ra tù cho đến trước khi chết, Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến 3 lần, với những động cơ, mục đích khác nhau

Lần thứ nhất: “Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng”

Lần thứ hai: “bẩm cụ ạ! Lạy cụ ạ! Con lại đến xin cụ cho con đi ở tù … đi ở tù còn có cái mà ăn, bây giờ về làng, một thước đất cắm dùi cũng không có chả làm gì nên ăn”

Lần thứ ba: “Tao không đến đây xin năm hào… Tao muốn làm người lương thiện”

a. Xác định mục đích 3 lần đến nhà Bá Kiến của Chí Phèo? Qua đó, anh/chị hiểu như thế nào về sự thức tỉnh quyền làm người của nhân vật?

b. Viết một đoạn văn ngắn luận về quyền và khát vọng lương thiện của con người trong cuộc sống.

2. Đời thừa – Nam Cao

Đề 1:

Nước mắt là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong sáng tác của Nam Cao. Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, “Đời thừa” nhà văn viết:

“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt”

“Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức”

(Trích “Chí Phèo”, Sách Ngữ văn 11 nâng cao, NXB GD 2010, tr 183 – 186)

 “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc… Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc”

(Trích “Đời thừa”, Sách Ngữ văn 11 nâng cao, NXB GD 2010, tr 207)

a. Chí Phèo và Hộ khóc trong những hoàn cảnh nào?

b. Chỉ ra sự khác biệt trong cách miêu tả giọt nước mắt của Chí Phèo và Hộ? Tại sao lại có sự khác biệt ấy?

Đề 2:

“Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”

a. Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của tác giả nào? Xác định nội dung của đoạn văn?

b. Nam Cao quan niệm như thế nào về hoạt động sáng tác văn chương?

c. Theo anh/chị tại sao cần có sự sáng tạo trong hoạt động sáng tác văn chương?

Đề 3:

Cho hai đoạn văn sau:

“Hắn đang đọc chăm chú quá. Đôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Đôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn. Đôi lưỡng quyền đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy. Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn”

“… Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hơn, cái mặt thì đên mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

a. Hai đoạn văn trên miêu tả ngoại hình của nhân vật nào? Trong tác phẩm nào? Của tác giả nào?

b. Chỉ ra bút pháp miêu tả ngoại hình nhân vật trong hai đoạn văn trên? Tác dụng?

c. Gương mặt của hai nhân vật trong hai đoạn văn trên, gợi cho anh/chị suy nghĩ như thế nào về đời sống tinh thần của nhân vật?

3. Tác giả Nam Cao

Đề 1:

a. Kể tên những tác phẩm chính của nhà văn Nam Cao viết về đề tài người nông dân nghèo trước 1945?

b. Nhận xét của em về đề tài người nông dân trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

c. Chỉ ra điểm mới mẻ của Nam Cao khi tiếp cận đề tài người nông dân nghèo?

Đề 2:

a. Kể tên những tác phẩm chính của Nam Cao viết về đề tài người trí thức nghèo trước năm 1945?

b. Anh/chị hiểu như thế nào về bi kịch “sống mòn”, “đời thừa” của người trí thức nghèo trong sáng tác của Nam Cao trước năm 1945?

c. Theo anh/chị, hình ảnh người trí thức nghèo có phải là hình ảnh của nhà văn Nam Cao trước 1945?

Trang Tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Đào Duy Từ năm học 2024-2025