(ĐDT) – Không biết tự bao giờ, “câu đối đỏ” trở thành một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của người Việt. Câu đối Việt Nam được viết theo lối thư pháp Việt. Nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng Hàm đã phân loại các câu đố theo ý nghĩa, gồm các loại : Câu đối mừng, câu đối phúng, câu đối Tết, câu đối thờ, câu đối tự thuật, câu đối đề tặng, câu đối tức cảnh, câu đối chiết tự, câu đối trào phúng, câu đối tập cú, câu đối thách…
Người xưa cũng thường lấy câu đối ra để thử tài nhau. Và nhắc đến tài năng viết câu đối thì không thể không nhắc đến những bậc nho sĩ – danh sĩ như: Nguyễn Công Trữ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Nhiều câu đối của bậc tiền nhân viết để vui, không cần treo ở đâu mà vẫn gắn liền vào tâm tưởng bao thế hệ bạn đọc.
Trong số các nhà thơ cổ điển Việt Nam, người làm câu đối Nôm nổi tiếng nhất, tài tình nhất theo nhận xét của Xuân Diệu chính là Nguyễn Khuyến. Đáng chú ý là một số lượng lớn câu đối Nôm của nhà thơ đều làm để giúp, tặng cho người khác. Ví dụ như :
“ Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc.”
Dịch :
“ Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm .”
Câu đối trên là câu đối Nguyễn Khuyến viết mừng một chánh tổng trước bị cách chức, sau được phục chức và làm nhà mới.
Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến
Tương truyền khi Nguyễn Khuyến cáo quan về dạy học ở một làng nọ, theo lệ thường cứ đến khoảng cuối tháng Chạp, vào dịp năm hết tết đến lại tính sổ để cho thầy về quê ăn Tết. Nguyễn Khuyến vốn là nhà thơ thích khôi hài, trước cảnh tượng các ông bố lui tới nộp tiền cho thầy, liền tức cảnh hai vế đối Nôm như sau :
“ Hai ngày mổ bụng con nhét chữ
Cuối năm bổ đầu bố lấy tiền ”
Ai đọc câu đối cũng phải buồn cười, song không ai không bội phục cái tài chơi chữ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.
Phải công nhận rằng trong kho tàng câu đối Nôm – trong đó câu đối Tết, đến Nguyễn Khuyến đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật . Đây là một bước phát triển đầy sáng tạo của văn học trung đại Việt Nam.
Năm mới, về tâm lý, người đời thường cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn đến nhà, Nguyễn Công Trứ cũng không ngoài những mong ước ấy. Có điều, ngày Tết, nhà cụ có gì đâu ! Không rượu, cũng chẳng trang hoàng sắm sửa gì. Tiền đâu mà sắm sửa? Cụ cũng mong ước như bao người, muốn xua đi cái nghèo, mong gặp nhiều điều tốt đẹp, dù trong hiện trạng nợ đòi khốn khổ:
“Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa;
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà.”
Cuộc đời cụ Trứ là cuộc đời của kẻ sĩ thanh bần. Thế nên, những câu đối Tết được viết ra thường gắn với hoàn cảnh sống và cá tính của cụ.
Cụ Nguyễn Công Trứ
Các nhà thư pháp thể hiện nét chữ tài hoa
Ngày nay, cứ mỗi khi Xuân về Tết đến, các nhà thư pháp mới cũng lại đua nhau viết câu đối Tết trên đường phố. Chơi câu đối tết, trong dân gian đã có từ xưa. Nó làm cho tết của ta thêm đẹp, thêm xuân, thể hiện tầm văn hóa của người chơi, của cả cộng đồng. Chơi câu đối cũng bổ sung và nâng cao tầm văn hiến của một dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử.
Nguyễn Thị Thùy Trang 11D0
2012 – 2015